day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Xã An Đạo - Huyện Phù Ninh - Tỉnh Phú Thọ

Địa chỉ: Khu 5 - Xã An Đạo - Huyện Phù Ninh - Tỉnh Phú Thọ
Điện thoại: (0210)3.770.722
Email: andao.ubphuninh@phutho.gov.vn

Đặc điểm tình hình

An Đạo là xã miền núi nằm ở phía Đông Nam huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Phía Bắc giáp với dòng sông Lô, phía Đông giáp với xã Bình Phú, phía Tây giáp thị trấn Phong Châu và các xã Tiên Du, Phù Ninh; phía Nam giáp xã Kim Đức.

Lịch sử phát triển

Trước đây, xã An Đạo là địa bàn cư trú của người Việt cổ, vùng đất của quốc gia Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, địa giới hành chính và tên gọi của xã An Đạo có nhiều thay đổi.
Thời đại dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, địa bàn của xã An Đạo thuộc huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ. Thời Bắc thuộc, An Đạo thuộc huyện Thừa Hóa, quận Phong Châu. Thời nhà Trần, thuộc huyện Phù Ninh, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Đời Lê Trung hưng, do kiêng húy của Trang Tông Lê Duy Ninh (1533 - 1548) nên huyện Phù Ninh đổi tên thành huyện Phù Khang. Năm Gia Long thứ 2 (1803) kiêng húy chữ Khang (Hiếu Khang, miếu hiệu của cha vua Gia Long) nên đổi lại tên cũ là Phù Ninh1. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), An Đạo thuộc huyện Phù Ninh, phủ Đoan Hùng. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) tách huyện Phù Ninh chuyển về phủ Lâm Thao.
Năm 1891, sau khi hoàn thành việc xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã lập ra các tỉnh mới để dễ bề cai trị. Xã An Đạo lúc này thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Hưng Hóa. Ngày 05/5/1903, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi; tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành tỉnh Phú Thọ; xã An Đạo thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, An Đạo còn gọi là làng Dốc (Kẻ Dốc), là một trong 9 làng gồm: Tử Đà, Xuân Dương, Y Kỳ (Yên Kỳ2), An Đạo (Yên Đạo), Phù Ninh, Phù Lỗ, Nha Môn, Lỗ Trì, Bình Bộ, nằm trong tổng Tử Đà.
Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước ta thống nhất gọi các phủ, châu, huyện là huyện, bỏ cấp tổng và tiến hành hợp nhất các làng nhỏ thành xã lớn. Năm 1946, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, huyện Phù Ninh từ 5 tổng, 40 làng xã hợp nhất thành 12 liên xã. Các xã An Đạo, Tử Đà, Bình Bộ hợp nhất thành xã Nguyễn Huệ.
Khi tiến hành cải cách ruộng đất năm 1954, thực hiện chủ trương của Nhà nước, xã Nguyễn Huệ được chia thành 3 xã: An Đạo, Tử Đà, Nguyễn Huệ3. Xã An Đạo có 9 xóm gồm:
Đề Thám, Lam Sơn, Kiến Thiết, Cộng Hòa, Lê Lợi, Tây Sơn, Y Kỳ, Thăng Long và Hạ Nha với 2.129 nhân khẩu.
Năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú; xã An Đạo thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phú.
Ngày 05/7/1977, theo Quyết định số 178-CP của Hội đồng Chính phủ “Về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú”, hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh sát nhập thành huyện Phong Châu. Xã An Đạo thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.
Ngày 06/11/1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết “Về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”, trong đó có tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Xã An Đạo thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Theo Nghị định số 59/1999/NĐ-CP ngày 24/7/1999 của Chính phủ “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính và chia các huyện Phong Châu và Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ”, huyện Phong Châu được chia tách thành 2 huyện Lâm Thao và Phù Ninh. Ngày 01/9/1999, huyện Phù Ninh tái lập, xã An Đạo thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Năm 2024, xã An Đạo có tổng diện tích đất tự nhiên là 696,36ha, dân số gồm 1.801 hộ gia đình, 7.187 nhân khẩu sinh sống tại 11 khu dân cư trên địa bàn.

Điều kiện tự nhiên

Với chiều dài khoảng hơn 3km ven sông Lô nên đất đai của An Đạo khá màu mỡ, thuận tiện cho việc trồng các loại cây lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong xã và cung cấp cho thị trường. Ngoài diện tích đất bãi, xã còn có nhiều quả đồi thoai thoải nằm sát nhau như núi Dốc Cao, núi Sâu Cao, núi Sâu Suốt... trồng cây nguyên liệu giấy và cây lấy gỗ. Vùng đất đồi, chủ yếu trồng các loại cây như cọ, chè... hoặc được cải tạo để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, quýt, nhãn, sấu... Diện tích đồng ruộng, ao hồ (gọi là chằm) thuận lợi cho việc trồng lúa và nuôi thả cá...
Khí hậu ở An Đạo mang đặc trưng của khu vực nhiệt đới gió mùa, với 4 mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông. Khi vào xuân, tiết trời ấm áp, thường có mưa phùn nhẹ; mùa hạ nền nhiệt tăng cao với nắng nóng kéo dài; mùa thu tiết trời se lạnh; mùa đông nhiệt độ xuống thấp, tiết trời hanh khô, nồm ẩm xen kẽ nhau. Mưa tập trung từ tháng 6 - tháng 9, đây là nguyên nhân gây ra xói mòn đất, ngập úng. Nhiệt độ trung bình năm là 230C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 290C (tháng 6), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 150C (tháng 1). Đặc điểm khí hậu trên địa bàn xã có nhiều thuận lợi với đời sống dân sinh, phù hợp phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp.

Về Giao thông

An Đạo có các tuyến giao thông đường thủy quan trọng chạy qua: đường Tỉnh lộ 307 cũ (nay là Tỉnh lộ 323C) từ Quốc lộ 2 đến bến phà Then sang Lập Thạch, Vĩnh Phúc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hóa của nhân dân hai tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc.
Về đường thủy, xã An Đạo tiếp giáp với sông Lô nên có cảng trung chuyển phục vụ nguyên vật liệu cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng và các mặt hàng khác. Đây là điều kiện thuận lợi để An Đạo thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp và dịch vụ thương mại.

Văn hóa - Nghệ thuật

Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo nghệ thuật, nhân dân An Đạo đã cùng nhau xây dựng nên những công trình kiến trúc gắn với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, văn chỉ... mà tiêu biểu nhất là chùa Hoàng Long. Chùa được xây dựng vào tháng 2 năm Kỷ Sửu (1709), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5, các pho tượng được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế, mang nét đặc trưng riêng. Trong khuôn viên của ngôi chùa có cây hương bằng đá, được thiết kế vuông 4 mặt, chiều cao là 1,75m, bề rộng mỗi mặt là 0,32m, trên có ghi “Tam Đái Phủ, Phù Khang huyện, An Đạo xã, Cá Đốc thôn, Nhị nguyệt Kỉ Sửu niên”, 4 cạnh thân cây hương được chạm khắc chữ Hán, trang trí các họa tiết tứ linh, hoa sen, sóng nước, cá chép và chữ Hán… Gác chuông và chuông được bố trí ở tầng 2, phía trước ghi 3 chữ đại tự “Định biên giới”, quả chuông ghi “Hoàng Long tự trung, đúc chuông Hoàng triều Cảnh Hưng lục niên tuế, thứ mậu ngọ nguyệt tại trung đông thập bát nhật lương thời”. Quả chuông cao 1,83m, đường kính đáy rộng 0,84m, đỉnh chuông 0,45m. Hằng năm, hội chùa được tổ chức vào ngày 15/02 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân trong xã và khách thập phương đến dự. Năm 2001, chùa Hoàng Long được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Thuận lợi

Từ một xã trung du với nền kinh tế nghèo nàn, sản xuất nông nghiệp độc canh, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nền kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ - thương mại vươn lên giữ vững vị trí ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất, tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ổn định, tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm dần. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhân dân tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào gieo trồng các giống cây cho năng suất, chất lượng cao; chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản mở rộng về quy mô, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông - lâm nghiệp từng là ngành kinh tế đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, với xu thế phát triển mới, các hộ gia đình dần chuyển hướng sang kinh doanh các ngành nghề dịch vụ - thương mại (vận tải, hàng quán…), công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng, mộc, sửa chữa cơ khí, may mặc…). Đến nay, trên địa bàn xã An Đạo có 280 hộ kinh doanh dịch vụ, 107 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 700 - 800 lao động tại chỗ. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 49 triệu đồng/người, tăng 4,6 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,5% (năm 2010) xuống còn 1,39% (năm 2023).
Cơ sở hạ tầng (thiết chế văn hóa, hệ thống giao thông, điện, trường học, trạm y tế…) được đầu tư xây dựng, cải tạo, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe và hoạt động sản xuất của nhân dân. 90% hộ gia đình trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; 100% khu dân cư có điểm thu gom rác thải. Cảnh quan nông thôn xã An Đạo xanh - sạch - đẹp. Với sự quyết tâm cao, cách làm sáng tạo và sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân xã An Đạo, năm 2020, xã đã hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2021 được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế có những bước tiến lớn. Ba trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó, trường Mầm non đạt chuẩn mức độ 2, trường Tiểu học thuộc tốp đầu của huyện; số học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp tăng đều qua các năm; Sức khỏe của người dân được đảm bảo, xã An Đạo giữ vững thành tích đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2; Các tầng lớp nhân dân sôi nổi hưởng ứng, tham gia phong trào văn nghệ, thể dục thể thao; Các chính sách an sinh xã hội cũng được thực hiện tốt, kịp thời. Đời sống nhân dân An Đạo không chỉ đầy đủ về vật chất mà còn đảm bảo về tinh thần; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều tiến bộ.
Sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã trong những năm qua gắn liền với sự trưởng thành của tổ chức Đảng địa phương. Từ các phong trào thi đua yêu nước, nhiều quần chúng ưu tú đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1954, Chi bộ An Đạo gồm 65 đảng viên. Đến đầu năm 2024, Đảng bộ xã An Đạo đã có 371 đảng viên, sinh hoạt trong 17 chi bộ trực thuộc. Đại đa số đảng viên đều có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ văn hóa, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo, tổ chức các phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp trên, Đảng bộ xã đã đưa các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Đảng bộ xã nắm bắt rõ tình hình địa phương, từ đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể, phương hướng phù hợp để lãnh đạo nhân dân đoàn kết, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương. Trong những năm qua, Đảng bộ xã không ngừng phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng Đảng bộ xã ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục xây dựng quê hương An Đạo ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.